Quản lý thời gian

Bài nói chuyện với các em sinh viên K57 Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học nhân chương trình chào K57, năm học 2012-2013

 Các em sinh viên K57 Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học thân mến,

Cách đây đúng 15 năm, tôi cũng như các em chập chững bước chân vào cổng ngôi trường đại học này: đầy bỡ ngỡ, đầy lạ lẫm, nhưng cũng đầy hoài bão và cháy bỏng đam mê.

15 năm không quá ngắn cũng không quá dài. Nói không quá ngắn vì tôi đã có được nhiều trải nghiệm trong 15 năm ấy; và nói không quá dài vì nó vừa đủ để tôi có thể chia sẻ với các em một số điều, trước khi tôi kịp quên đi do tuổi tác và thời gian :-).

Thời gian! Tuổi tác! 15 năm! Tôi nhấn mạnh lại những điểm này để thấy được sự quan trọng của thời gian. Và đó cũng sẽ là chủ đề chúng ta cùng chia sẻ với nhau hôm nay.

Các em thân mến,

Hẳn không ít lần các em được nghe những câu “tiếc là không còn thời gian”, hoặc “nếu tôi trẻ lại độ chục tuổi …” từ những người có tuổi, đáng kính xung quanh như ông bà, cha mẹ. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thời gian là hữu hạn đối với mỗi con người.

Thời gian là của các em! Việc sử dụng thời gian như thế nào là quyền của mỗi người. Nhưng hãy nhớ rằng, kết quả các em nhận được trong 4 năm đại học này, hay thầy cô, bạn bè, xã hội nhìn nhận các em như thế nào sẽ dựa trên một phần rất lớn vào việc các em có biết sử dụng, quản lý thời gian một cách hiệu quả hay không.

Trong lĩnh vực Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, các em sẽ được học rằng các thiên tai hay hiện tượng mà có thể dự báo được (predictability) luôn dễ chịu hơn rất nhiều và ít gây thiệt hại cho nền kinh tế xã hội hơn so với các hiện tượng bất thường. Việc có thể quản lý tốt thời gian sẽ làm cuộc sống của các em mang tích dự báo được; các em sẽ có thể quản lý hầu như mọi kế hoạch của cuộc đời, từ học tập, định hướng nghề nghiệp đến sự nghiêp và có thể là cả tình yêu. Điều đó sẽ làm cuộc sống của các em trở nên tốt đẹp hơn.

Khi còn là sinh viên như các em, tôi cũng đã từng rất lãng phí thời gian. Sau những cuộc vui, có khi giật mình tỉnh dậy tôi thấy mất mát rất nhiều, đến nỗi phải thốt lên:

“Mặt trời tàn

Cuộc vui tàn

Nguội ngắt…

Ai hiểu lòng ta?

Lại một ngày qua

Cuộc sống có gì đáng để thiết tha?”  (Paris@2001)

Rất may đó chỉ là những tiêu cực nhất thời và nó kéo dài không lâu đối với tôi. Sau những lần như vậy, tôi đều xốc lại tinh thần, và thường là lại ép mình tuân thủ theo những lịch trình học tập và làm việc chặt chẽ.

Các em thân mến,

15 năm qua, tôi đã có cơ hội học tập và làm việc trong nhiều môi trường có nền văn hoá khác nhau. Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là những người Nhật Bản bởi họ có điểm chung ở niềm đam mê công việc, đồng thời luôn đúng giờ, đúng hẹn một cách đáng kinh ngạc. Đúng giờ, đúng hẹn là biểu hiện của việc quản lý tốt thời gian.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là chúng ta đã và đang chấp nhận “giờ cao su” như một điều hiển nhiên của cuộc sống.

Hình ảnh đáng xấu hổ của “giờ cao su cao cấp” các em có thể gặp hàng ngày. Rất nhiều các dự án xây dựng chậm tiến độ trong khi các cấp cứ thất hứa hết lần này đến lần khác. Rồi nếu như đúng hẹn, hiện tại các em đã có thể được học tập tại cơ ngơi khang trang, sạch đẹp và trong lành của Đại học Quốc Gia trên Láng Hoà Lạc chứ không phải tại địa điểm 334 Nguyễn Trãi chật hẹp này. Còn rất nhiều những vấn đề liên quan đến “giờ cao su cao cấp” mà tôi tin rằng mỗi công dân bình thường có trách nhiệm với xã hội khi nghĩ đến đều thấy nhói lòng.

Ở mức độ thấp hơn, liên quan đến các cá nhân đơn lẻ, giờ cao su cũng đã và đang gây lãng phí về mặt thời gian, tiền bạc, và ảnh hưởng đến niềm tin. Có thể nói, “giờ cao su” là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng tập thể, thiếu tôn trọng người khác và thiếu tôn trọng ngay cả bản thân mình. Không cho phép mình chấp nhận “giờ cao su” chính là một hành động cụ thể nhằm rèn luyện văn hoá “tôn trọng” và “tự tôn trọng” ấy.

Các em thân mến,

Việc quản lý thời gian tốt sẽ là chìa khoá để vào tương lai cho các em. Một người biết quản lý thời gian, tôn trọng thời gian sẽ là một người luôn nhận được đánh giá cao từ xã hội. Vì vậy, các em hãy nên lập kế hoạch cho bản thân mình. Ví dụ các em có thể lên một thời gian biểu cụ thể về thời gian nào sẽ học các môn trên lớp; thời gian nào học tiếng Anh, thời gian nào để học các kỹ năng mềm, thời gian nào dành cho thể thao, bạn bè, và cả tình yêu nữa. Hãy bắt đầu bằng việc tự trang bị cho mình một thiết bị xem giờ thường xuyên. Và từ ngày mai, hãy có mặt tại giảng đường sớm 5 phút trước khi mỗi môn học bắt đầu!

Các em thân mến,

Hôm nay, tôi đứng đây trò chuyện với các em với tư cách một người Thầy, người anh, người bạn, và có thể là một người đồng nghiệp trong tương lai. Bằng những trải nghiệm của mình, tôi muốn nói với các em rằng: Tuổi trẻ có quyền yêu, có quyền say, có thể sai lầm, cũng có khi lạc lối. Tôi cũng đã có những khoảng thời gian như vậy. Khi thời gian qua đi và ngồi ngẫm nghĩ lại, tôi thấy rằng những gì mình cho là to tát, là quan trọng của ngày hôm qua đôi khi lại rất bình thường đối với ngày hôm nay. Điều quan trọng là chúng ta đã yêu, đã sống hết mình khi tuổi trẻ, và chúng ta đã không lãng phí thời gian.

Tôi mong rằng các em luôn tìm thấy niềm vui, luôn lạc quan, yêu đời và yêu người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chúc các em quản lý tốt thời gian của mình trong suốt quãng đời sinh viên và trong suốt cuộc đời! Chúc các em thành công!

Hà Nội, tháng 10 năm 2012

About ngoducthanh
a di đà phật

Leave a comment